Nghiên cứu trải nghiệm người dùng (UX Research) đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng sản phẩm đáp ứng mong đợi của khách hàng, bất kể dự án đang ở giai đoạn khởi đầu hay phát triển tính năng bổ sung. Một thống kê của trang tin Toptal cho thấy rằng, phần lớn người dùng (88%) sẽ không quay lại một nền tảng trực tuyến nếu họ có trải nghiệm tồi tệ.
Việc thiếu vắng sự am hiểu sâu sắc về nhu cầu và những khó khăn mà người dùng gặp phải sẽ khiến việc tạo ra một sản phẩm với trải nghiệm tối ưu trở nên bất khả thi. Mặc dù vậy, hoạt động nghiên cứu UX thường vấp phải sự hoài nghi và từ chối từ phía client do những quan niệm sai lệch.
Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích câu hỏi thường trực mà client luôn đặt ra: "Tại sao cần phải nghiên cứu UX?". Câu hỏi này thực chất được hình thành từ ba nhận định sau.
Nhận định #1: "Chi phí cao quá"
Thực ra, điều này không sai. Tại Mỹ, một junior UX researcher có thể được trả $40 - $60 một giờ, trong khi cấp senior có thể đặt mức giá tới $100 / giờ. Còn nếu bạn thuê nghiên cứu từ xa, phân tích trên 5 người tham gia có thể tốn $400 và 32 tiếng làm việc. Đây là mức giá thấp.
Chi phí điển hình cho nghiên cứu từ xa có người hướng dẫn tại Hoa Kỳ:
- Mức thấp nhất: Nghiên cứu với 5 người tham gia có thể tốn khoảng $400, cộng thêm khoảng 32 giờ làm việc của nhà nghiên cứu.
- Mức cao nhất: Với phí tuyển dụng cao và mức khuyến khích hấp dẫn, chi phí có thể vượt $1,600 cùng với 48 giờ làm việc.
Chi phí điển hình cho nghiên cứu từ xa không có người hướng dẫn tại Hoa Kỳ:
- Mức thấp nhất: Nghiên cứu với 5 người tham gia có thể tốn khoảng $250, cộng thêm 10 giờ làm việc của nhà nghiên cứu.
- Mức cao nhất: Với phí tuyển dụng cao và mức khuyến khích hấp dẫn, chi phí có thể lên đến $1,200 và hơn 25 giờ làm việc.
Nhưng thế đã phải là quá đắt, khi mà UX giúp:
Tránh lãng phí chi phí phát triển lại sản phẩm
Phát hành một sản phẩm không đáp ứng nhu cầu người dùng, hoặc chỉ đáp ứng một phần, sẽ buộc bạn phải quay lại thiết kế và phát triển lại từ đầu. Điều này không chỉ gây mất thời gian mà còn làm chi phí đội lên rất nhiều. Nghiên cứu UX là một biện pháp phòng ngừa giúp tránh những vấn đề này ngay từ đầu.
Phương pháp đa dạng, hiệu quả cao
Nghiên cứu UX có rất nhiều phương pháp phù hợp với từng nhu cầu và mức đầu tư thời gian. Các nghiên cứu có người hướng dẫn từ lâu đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc phát hiện ra các vấn đề lớn của trải nghiệm sản phẩm, với mẫu thử chỉ cần nhỏ. Một nghiên cứu kinh điển của Jakob Nielsen thuộc Nielsen Norman Group cho thấy bạn có thể phát hiện khoảng 85% vấn đề về khả năng sử dụng chỉ với 5 người tham gia.
Giải pháp cho ngân sách eo hẹp
Nếu bạn thực sự hạn chế về ngân sách, có thể chọn các phương pháp nghiên cứu đơn giản hơn như workshop, kiểm tra guerrilla, nhóm tập trung, khảo sát, phân tích dữ liệu từ logs, v.v.
Ví dụ điển hình: Chúng tôi từng làm việc với một khách hàng trong ngành điện lực tại Mỹ để phát triển một sản phẩm tổng hợp và phân tích dữ liệu từ các nhà máy điện. Đây là dự án phức tạp bậc nhất mà chúng tôi từng thực hiện. Thay vì chỉ dựa vào ý kiến của khách hàng (với mẫu nhỏ và thiên vị), chúng tôi áp dụng phương pháp điều tra ngữ cảnh từ xa tùy chỉnh, tìm được người dùng mục tiêu trong mạng lưới của họ và chúng tôi. Kết quả là khách hàng đã thay đổi hoàn toàn giả định ban đầu dựa trên các thông tin thu thập được từ người dùng thực tế.
Tóm lại: Nếu bạn không đầu tư vào nghiên cứu UX ngay từ đầu, chi phí sửa chữa sau này sẽ gấp mười lần.
Nhận định #2: "Mất quá nhiều thời gian"
Một số doanh nghiệp cho rằng nghiên cứu người dùng đòi hỏi quá nhiều thời gian, nhưng đây là một hiểu lầm. Nghiên cứu UX không phải lúc nào cũng phức tạp; bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh linh hoạt phương pháp để phù hợp với thời gian của mình.
Thời gian dự kiến cho một số loại nghiên cứu phổ biến:
- Nghiên cứu khái quát: 4–6 tuần;
- Kiểm tra khả năng sử dụng: 2–4 tuần;
- Khảo sát: 1–2 tuần;
- Tuyển người tham gia: 1–2 tuần;
- Họp định hướng và thống nhất: 1 tuần hoặc hơn.
Nếu bạn đang chịu áp lực thời gian, bạn có thể:
- Kết hợp nghiên cứu song song với các hoạt động khác để tiết kiệm thời gian.
- Nhớ rằng không nghiên cứu sẽ khiến bạn mất hàng tháng trời chạy theo các ý tưởng không hiệu quả.
- Nhìn tổng thể, nghiên cứu không tiêu tốn quá nhiều thời gian so với toàn bộ chu trình phát triển sản phẩm (thường kéo dài hơn một năm).
Tóm lại: Tiết kiệm thời gian bằng cách bỏ qua nghiên cứu sẽ khiến bạn mất nhiều tháng xử lý các vấn đề không đáng có sau này.
Nhận định #3: Nghiên cứu không thực sự cần thiết, AI “cân” tất!"
Ngoài ngân sách và thời gian, nghiên cứu UX còn bị nghi ngờ về lợi ích, nhất là khi AI ngày nay có thể đem đến lượng dữ liệu lớn trong thời gian ngắn. Thực tế thì ngược lại, nghiên cứu UX giúp bạn đi đúng hướng ngay từ đầu, tránh việc phải sửa chữa sau này, tiết kiệm cả thời gian và chi phí.
ChatGPT có thể tạo ra một persona trong 1 giây, nhưng những kinh nghiệm mà UX researcher có với đối tượng sẽ cho bạn nhiều insight đáng quý hơn nhiều. Bên cạnh đó, kinh nghiệm triển khai còn giúp doanh nghiệp nhận ra cuộc chơi ở tầm cỡ lớn hơn khi thị trường có nhiều đối thủ.
Một minh chứng thực tế: Chúng tôi từng hỗ trợ một khách hàng là công ty SaaS trong lĩnh vực giáo dục. Sản phẩm của họ là giải pháp quản lý toàn diện dành cho giáo viên, học sinh, phụ huynh, và đội ngũ quản lý. Ban đầu, đội ngũ của chúng tôi đã đưa ra một loạt giả định thiết kế dựa trên các buổi brainstorming. Nhưng chỉ sau vòng kiểm tra khả năng sử dụng đầu tiên, người dùng đã cho thấy những ý tưởng đó không hiệu quả.
Nếu không có nghiên cứu người dùng, chúng tôi sẽ mất hàng tuần hoàn thiện một tính năng không ai muốn dùng. Đây là minh họa rõ ràng cho lý do tại sao không thể bỏ qua nghiên cứu UX.
Kết luận:
Nếu bạn là một doanh nghiệp nhỏ hơn và sẵn sàng liều lĩnh, thì lời khuyên của tôi là hãy tham khảo ý kiến của người dùng trước và trong quá trình phát triển sản phẩm, dù là chỉ với một người. Đầu tư vào nghiên cứu UX là cách duy nhất để đảm bảo sản phẩm của bạn thực sự giải quyết được vấn đề mà người dùng quan tâm.
Nguồn: Medium